Tỉnh dậy lúc nửa đêm đôi khi đồng nghĩa với việc trằn trọc hàng giờ để thiếp đi và chìm vào giấc ngủ trở lại. Bất kỳ ai mắc phải chứng mất ngủ đều cảm thấy cơ thể dễ bị suy nhược sau một thời gian. Thiếu ngủ còn gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ chế sinh học của cơ thể. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch,áchthởxsmtr tiểu đường, đột quỵ. Một giấc ngủ không gián đoạn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, hồi phục sức khỏe và nạp lại năng lượng để khởi đầu một ngày mới năng động.
Trong một video được đăng tải bởi tài khoản TikTok @thesleepdoctor, tiến sĩ Michael Breus, nhà tâm lý học lâm sàng có kinh nghiệm hơn 20 năm trong liệu pháp giấc ngủ, khuyến nghị mọi người nên thực hành cách thở 4-7-8. Cụ thể, bạn thở theo nhịp đếm, khi hít vào đếm đến 4, nín thở đếm thêm đến 7 và thở ra ở nhịp số 8.
Ông Breus cho biết khi thở bình thường, mọi người hít vào lượng oxy và thở ra lượng cacbonic bằng nhau. Khi đảo lộn sự cân bằng này (thở ra nhiều hơn hít vào), mức carbon dioxide trong cơ thể giảm, lượng oxy tươi vào nhiều hơn, dẫn đến tim làm việc ít hơn, giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ.
Mặt khác, người bị stress, lo âu thường suy nghĩ nhiều, khiến tâm trí xáo động và khó đi vào giấc ngủ. Khi thực hiện bài tập thở 4-7-8, mọi người cần phải đếm số giây hít vào, giữ hơi và thở ra. Vì vậy, thở có ý thức sẽ loại bỏ những suy nghĩ không mong muốn trong đầu, giúp dễ đi vào giấc ngủ.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Breus, cơ thể không ngừng sản xuất các hormone tự nhiên trong khi ngủ và chịu tác động đáng kể bởi cường độ ánh sáng của môi trường ngoài. Khi màn đêm buông xuống, các hormone melatonin được tiết ra sẽ có chức năng điều hòa đồng hồ sinh học và giấc ngủ của cơ thể. Khi ánh nắng ló dạng lúc bình minh, một hormone khác là cortisol sẽ được giải phóng và đóng vai trò như "đồng hồ báo thức sinh học". Phòng ngủ không đủ tối sẽ khiến cho quá trình nội tiết tố này bị đình trệ hoặc sai lệch, từ đó khiến chúng ta mất ngủ hoặc trằn trọc suốt đêm trên giường. Do đó, việc đi ngủ đúng giờ, phòng ngủ đủ tối và mát mẻ đóng vai trò quan trọng.
Một mẹo hay khác thường được áp dụng đó là tắt hoặc tránh xa các thiết bị điện từ vài tiếng trước khi đi ngủ. Hành động này được xem là cần thiết để não bộ không phải xử lý hay ghi nhớ quá nhiều thông tin và nhờ đó bạn có thể "say giấc nồng" nhanh chóng.
Lập Nguyễn(Theo Mirror)